Với Haruki Murakami, phần lớn mọi người biết đến cuốn tiểu thuyết nối tiếng khắp thế giới của ông là "Rừng Nauy". Còn riêng mình, tác phẩm đầu tiên mà mình đọc của ông là "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" (Tên tiếng Anh: "What I talk when I talk about running".
Thoạt nghe, ta tưởng tượng trong cuốn sách này sẽ là những kỹ năng chạy, kinh nghiệm đạt thành tích tốt, hoặc lời giải đáp cho các câu hỏi vỡ lòng của một runner, kiểu "muốn chạy bộ cần chuẩn bị những gì?", ... Nhưng không, đây là một tác phẩm, mà theo mình, là một dạng hồi ký, được sắp xếp theo chiều dọc thời gian, kể về hành trình chạy của Haruki, xen kẽ với nó là quá trình viết văn của tác giả. Một điều đáng ngạc nhiên là chạy bộ đã giúp ích cho nghiệp viết của ông, ở một khía cạnh nào đó.
Mình không quá quan tâm tới sự nghiệp đó, cái mình tò mò là câu chuyện của một người, đã gần như, chạy bộ mỗi ngày, trong suốt 24 năm, một người trung niên ở độ tuổi gần 50, đã tham gia cuộc chạy Marathon hơn 100 cây số, trong liên tiếp gần 12 tiếng, từ sáng sớm đến chiều tối, NHƯ THẾ NÀO?
Tác giả không thẳng thắn giải đáp cho thắc mắc đấy của mình, hoặc chính ông cũng không tóm gọn được để trả lời trong một câu văn, mạnh mẽ và dứt khoát nào. Đại khái nó lê thê như này: "Dù cho có hai tôi đi nữa thì tôi vẫn không thể làm hết những thứ cần phải hoàn thành. Thế nhưng, bất luận thế nào thì tôi cũng duy trì chạy bộ. Chạy mỗi ngày với tôi là một nguyên tắc sống, vậy nên tôi sẽ không hoãn lại hay bỏ chỉ vì tôi bận. Nếu tôi lấy bận bịu làm cái cớ để không chạy, tôi sẽ không bao giờ chạy lại được nữa. Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ".
Về lý do chạy bộ, cũng rõ ràng một cách rất mơ hồ: "...tôi không bắt đầu chạy bộ vì ai đó bảo tôi nên chạy bộ... Tôi luôn làm bất cứ gì mình cảm thấy thích làm trong đời. Người ta có thể cố ngăn tôi, và làm cho tôi thấy là tôi sai, nhưng tôi sẽ không thay đổi."
Chạy, với Haruki, là một sở thích. Cuộc sống này, tìm ra điều mình thích và được thực hiện nó mới thất tuyệt vời làm sao. Nhưng chạy, với Haruki, cũng là một nguyên tắc sống. Rất nhiều người có những nguyên tắc sống cho bản thân, mình tự hỏi liệu đó có thật sự là nguyên tắc hay không? Khi mà chính bản thân ta, vì nguyên cớ nào đó, vẫn vi phạm nó. Haruki duy trì việc chạy bộ của ông, MỖI NGÀY, trong suốt 24 năm, vẫn có du di vì những hôm trời mưa hay ốm, vì thực tế luôn có điều gọi là "bất khả kháng". Nhưng ông không ngừng chạy, do bận tụ tập bạn bè hay một ngày nào đó bỗng-nhiên-không-muốn-chạy, tương tự như ông không bao giờ đi bộ trong bất cứ cuộc đua nào.
"Thay vì buộc mình chạy, có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nếu tôi đi bộ. Rất nhiều người chạy khác đang làm chính điều đó. Cho chân họ nghỉ ngơi khi họ đi bộ. Nhưng tôi không bước một bước nào. Tôi dừng rất lâu để duỗi, nhưng tôi không hề đi bộ. Tôi không đến đây để đi bộ. Tôi đến để chạy. Đó là lý do duy nhất - mà tôi đã bay cả một chặng đường đến cực Bắc nước Nhật. Dù có chạy chậm thế nào chăng nữa, tôi cũng nhất định không đi bộ. Đó là nguyên tắc, vi phạm nguyên tắc dù chỉ một lần thôi, tôi chắc chắn sẽ vi phạm nhiều lần nữa."
Mình khâm phục ông vì ở một độ tuổi không còn trẻ trung gì, ông vẫn vận động mỗi ngày, chịu đựng cơn đau của việc chạy bộ, cảm giác đôi chân khô và giòn như chiếc bánh mì để lâu ngày ở cửa hàng tiện lợi. Và càng kính trọng ông bởi sự bền bỉ khó tin, khi lựa chọn vất vả hơn là an nhàn.
Bộ não con người, dù ta muốn hay không, luôn có thiên hướng lựa chọn những thứ vui vẻ, và phấn khích, dù rằng ngoài vui thôi, chúng chẳng mang lại giá trị gì. Thực tế chạy bộ có quá nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng đó là sau khi ta đã chịu đủ đau đớn cho chúng, thường xuyên. Mà bộ não nóng nảy của ta thường không thích những trái ngọt đến sau như vậy. Về Haruki, ông đã tự thôi miên chính mình trước những ý muốn thôi thúc dừng lại trong mọi cuộc chạy:" Mình không phải là người. Mình là một cái máy. Mình không cần phải cảm thấy gì cả. Cứ tiến lên phía trước."
Sự kỷ luật của ông không phải đến từ thế giới bên ngoài, mà từ chính bản thân ông, nên nó càng thêm phần khắt khe và nghiệt ngã.
Trong suốt hành trình chinh phục sở thích này, Haruki đã trải qua 24 cuộc đua Marathon trên khắp thế giới, từ năm 1983 đến năm 2006. Con số vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Một ngày nào đó, nếu tôi có một bia mộ và tôi có thể chọn cái để khắc trên ấy, tôi muốn nó đề thế này:
Đó là mong muốn của ông, vì ông đã mãn nguyện với những gì mình đạt được, sau khi đã dốc hết sức mình. Không có một giới hạn nào thực sự là giới hạn cả. Haruki đã làm được.
Vậy nên bạn cũng sẽ làm được, bất kể tuổi tác, bất kể mục tiêu của bạn là gì. Nếu dừng lại vì nghĩ rằng nó khó, bạn mãi mãi không tới được đích. Dù có một phần trăm thành công, nhưng khi chưa bắt đầu, thành công sẽ là con số không tròn trĩnh. Chỉ khi bạn bước đi, mỗi ngày, bạn mới tiến gần được tới điều mình muốn. Vậy nên là, hãy bắt đầu đi bạn nhé!
0 bình luận:
Đăng nhận xét